
Khánh Hòa – Đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh được xem là thủ phủ tôm hùm. Nuôi tôm hùm giúp cuộc sống của ngư dân thay đổi theo hướng khá giả, có của để dành.

Thay đổi cuộc sống từ nghề nuôi tôm hùm
Đảo Bình Ba có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với hơn 1.000 hộ dân, 3.800 nhân khẩu. Phần lớn dân số trên hai đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trong đó nghề chính là nuôi tôm hùm.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt gần 90ha trong đó trên đảo Bình Ba 58ha và đảo Bình Hưng 30ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh.
Theo chính quyền xã Cam Bình, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng đã phát triển ở đảo Bình Ba hơn 30 năm nay. Công việc này mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Ân – Chủ tịch UBND xã Cam Bình sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ninh Hòa nhưng cơ duyên cho ông được gặp vợ và lập gia đình ở hòn đảo này.
Cũng chẳng nhớ từ bao giờ, ông Nguyễn Ân xem hòn đảo này như ngôi nhà thứ hai. Ngoài công việc tại xã, ông Nguyễn Ân cũng tăng gia sản xuất bằng nghề nuôi tôm hùm.
Theo lời ông Nguyễn Ân, xã Cam Bình nhờ nghề nuôi tôm hùm nên ngư dân có thể kiếm được thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người. Đặc biệt trong năm 2022 vừa qua, sản lượng tôm hùm trên toàn xã đạt trên 300 tấn.
Cũng nhờ có thu nhập ổn định từ nghề nuôi tôm hùm nên ngư dân đã tập trung đầu tư cho thế hệ trẻ sau này học hành đầy đủ. Trẻ con đi học, sinh viên ở xã theo học tại các trường đại học tăng cao.
Người đứng đầu xã Cam Bình cho biết nhờ nghề nuôi tôm hùm nên đến nay xã đã ghi nhận một số ngư dân đã trở thành tỷ phú. Người cao thì mang về thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Người thấp cũng vài trăm triệu đồng/năm.

Cần nuôi trồng bền vững
Mặc dù mang lại cuộc sống khấm khá cho ngư dân nhưng thực tế, nghề nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba vẫn còn mang tính tự phát cao. Anh Nguyễn Tấn Dũng, người dân nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba cho biết, tôm hùm chỉ xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào thương lái, nên giá cả không ổn định. Trung bình, giá tôm hùm bông từ 800.000 đồng/kg; loại tôm hùm xanh là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/kg. Để giải quyết bài toán đầu ra cho tôm hùm, không ít ngư dân quyết định liên kết trong tiêu thụ tôm hùm.
Với người ở bên ngoài, nguồn thu nhập tiền tỉ từ nghề nuôi tôm hùm quả thật ai cũng mơ ước. Thế nhưng, để nuôi tôm hùm thành công là quá trình không dễ dàng.
Anh Nguyễn Ngọc Huy (52 tuổi ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình) chia sẻ, vốn xuất thân từ một thợ sửa chữa điện tử rồi trong một lần tình cờ, anh được người thân giới thiệu về nghề nuôi tôm hùm. Nghĩ rồi làm, anh Huy quyết định vay tiền từ ngân hàng để khởi nghiệp nuôi tôm hùm trên đảo.
Trải qua nhiều năm lăn lộn trong nghề nuôi tôm hùm, anh Huy thấm đủ thất bại lẫn thành công. Anh Huy khẳng định nghề nuôi hôm tùm hay bất cứ công việc nào cũng cần có sự kiên trì và tình yêu với công việc.
Đằng sau sự thành công trong nghề, anh Huy cũng trăn trở bởi nghề nuôi tôm hùm hiện nay phải đối với mặt nhiều rủi ro hơn trước. Đó là vấn đề môi trường biển, thức ăn, rác thải và thị trường tiêu thụ.
“Để giải quyết vấn đề môi trường cần sự chung tay người dân và ý thức bảo vệ môi trường. Nếu giải quyết được vấn đề đó sẽ tăng được năng suất tôm” – anh Huy bày tỏ mong muốn.